Năm 2021, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động sẽ phụ thuộc vào mức lương cơ sở. Theo đó, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể được nhận tiền trợ cấp đến hơn 22 triệu đồng/tháng.
 

Bảo hiểm thất nghiệp - “chỗ dựa” của triệu người lao động

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và chính thức triển khai từ ngày 1/1/2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

 

5543-yang-hyyng-try-cyp-thyt-nghiyp-co-yyyc-giyi-quyyt-chy-yy-thai-syn
 

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), sau 11 năm thực hiện, đến nay có trên 13,4 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,5% lực lượng trong độ tuổi. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 6 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước.
 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2019, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 84.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn. Nhìn chung, các quy định của Luật Việc làm và các văn bản hưởng dẫn đã tạo một hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
 

Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không chỉ hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp mà khi mất việc làm, người lao động còn được hưởng chế độ khác như: hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. 10 tháng năm 2020, toàn quốc có 12.737 người được hỗ trợ học nghề, với số tiền gần 33 tỷ đồng.
 

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành “chỗ dựa” của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.
 

Phụ thuộc mức lương cơ sở

Không thể phủ nhận, lợi ích hiện hữu khi tham giabảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên, chính sách bảo thất nghiệp hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng- hưởng. Do đó, để hưởng những lợi ích của chính sách này điều kiện cần là người lao động cần ý thức được quyền và trách nhiệm tham gia của mình.

Theo quy định của pháp luật, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (từ năm 2021 là hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn) có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2021 sẽ được tính như sau: Mức hưởng, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 

Theo Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng hằng tháng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong đó, với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước), mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
 

Về số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, cứ đóng đủ thêm 12 tháng sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp chưa hưởng hết trợ cấp thất nghiệp theo quy định nhưng có việc làm thì sẽ không tiếp tục được hưởng nữa.
 

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa năm 2021, do năm sang năm, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối đa đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ là 1.490.000 x 5 = 7.450.000 đồng/tháng.

Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định:

 

Cho đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất không điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 mà giữ nguyên như mức tiền lương năm 2020, do đó mức lương tối thiểu vùng có thể vẫn sẽ được giữ nguyên. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối đa đối với người lao động sẽ được tính theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Cụ thể, Vùng I: 4.420.000 x 5 = 22.100.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.920.000 x 5 = 19.600.000 đồng/tháng; Vùng III: 3.430.000 x 5 = 17.150.000 đồng/tháng; Vùng IV: 3.070.000 x 5 = 15.350.000 đồng/tháng.

Như vậy, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể được nhận tiền trợ cấp đến hơn 22 triệu đồng/tháng vào năm 2021.
 

Nguồn: Thu Phương / https://congthuong.vn/nam-2021-nguoi-lao-dong-nhan-tro-cap-that-nghiep-co-the-len-den-22-trieu-dongthang-149536.html

Tên đăng nhập

: DavidTeo

Email

: davidteo@gmail.com

Điện thoại

: 0985626365

Địa chỉ

: 215, Ấp 2, Xã Trung An, Mỹ Tho, Tiền Giang

Ngày đăng tin

: 08-03-2021 07:24:26 AM

Mẫu tin đã được xem

: 1150 lần