Tiền Giang có khoảng 50 ngàn người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã có những tác động đến đời sống người dân, đặc biệt là dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp làm cho nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đời sống của rất nhiều người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng. Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang cho rằng:
Việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68) là để góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, đảm bảo đời sống cho NLĐ.
Đồng chí Lý Văn Cẩm (bên phải) tặng quà cho khu cách ly ở huyện Cái Bè. |
* Phóng viên: Thưa đồng chí, Nghị quyết 68 gắn với an sinh xã hội như thế nào?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Nghị quyết 68 kịp thời hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống NLĐ, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nghị quyết ban hành khẳng định thông điệp của Chính phủ lúc nào cũng hướng về người dân, chăm lo cho người dân, đảm bảo cuộc sống cho người dân, NLĐ. Chính sách hỗ trợ lần này sẽ tiếp sức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất.
So với Nghi quyết 42 của Chính phủ năm 2020 thì Nghị quyết 68 lần này có rất nhiều điểm mới và nổi bật. Trong đó điều kiện hỗ trợ là giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương của NLĐ xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động; giảm điều kiện vay trả lương ngừng việc, bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp và giảm điều kiện ngừng việc xuống còn 15 ngày.
Đồng thời, Nghị quyết 68 bổ sung nhiều chính sách mới như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, NLĐ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đối với NLĐ tự do và các đối tượng đặc thù của địa phương, trung ương không quy định mà giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Qua đó thấy rằng, Nghị quyết 68 ngoài mục đích có tính nhân văn về mặt xã hội, mục đích an sinh xã hội mà bản thân nghị quyết cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế.
Cụ thể, chỉ vài ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 23 hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị quyết 68 rất chỉnh chu, đầy đủ, cho thấy quyết tâm của Chính phủ triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động để Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống.
Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ có những điểm mới rất quan trọng. Trước hết, các nhóm đối tượng được cụ thể hóa một cách chi tiết, quy định cụ thể về cách thức thực hiện, thời gian tiến hành; quy trình giải quyết, cấp nào giải quyết, phân cấp, phân quyền rất rõ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu (Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện) là những người quyết định.
Địa phương căn cứ vào quy định, quy trình thực hiện tại Quyết định 23 là làm ngay được, không cần phải có hướng dẫn, quy định riêng. Đối với NLĐ và người sử dụng lao động căn cứ Quyết định 23 là có thể làm hồ sơ đăng ký hỗ trợ được ngay. Thứ hai, giản đơn tối đa các thủ tục hành chính, hồ sơ đăng ký rất thoáng, thời gian giải quyết từng cấp (xã, huyện, tỉnh) rất nhanh chóng, mỗi cấp từ 2 - 3 ngày, với mục đích NLĐ và người sử dụng lao động sớm nhận được hỗ trợ.
* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tiến độ triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ đối với người dân tỉnh Tiền Giang đến nay như thế nào?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Về đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, đối với người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ hộ kinh doanh, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đối với NLĐ, thực hiện hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiêp; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch.
Về đối tượng hỗ trợ theo Quyết định 1910 của UBND tỉnh Tiền Giang quy định cụ thể việc hỗ trợ theo chính sách riêng của tỉnh đối với NLĐ tự do. Theo quyết định này, NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm thuộc các nhóm công việc cụ thể như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe 2 bánh chở khách; bán lẻ vé số; tự làm hoặc làm thuê trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, cơ sở làm đẹp; phục vụ trong các quán bar, vũ trường, cơ sở tập luyện thể dục thể thao; lao động giúp việc gia đình... đồng thời đáp ứng đủ điều kiện về thời gian mất việc làm, mức thu nhập khi mất việc làm, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh.
Do đó, ước tính Tiền Giang sẽ có khoảng 50 ngàn đối trượng được nhận hỗ trợ theo các quy định của trung ương và của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương có khu vực phong tỏa, một số nơi có tình hình dịch bệnh phức tạp nên triển khai còn chậm. Do đó, các địa phương cần linh hoạt chọn hình thức phù hợp để triển khai chính sách hỗ trợ vừa đảm bảo thực hiện vừa an toàn phòng, chống dịch.
* Phóng viên: Để thực hiện tốt Nghị quyết 68, đồng chí có lưu ý gì để các địa phương và Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành trong quá trình rà soát đối tượng?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Để NLĐ và người sử dụng lao động được tiếp cận với chính sách hỗ trợ, vấn đề lưu ý trước tiên là các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với doanh nghiệp, người dân. Việc này, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản nhắc nhở, đôn đốc các địa phương. Hiện nay, tất cả các địa phương đã có kế hoạch triển khai, tuyên truyền trên địa bàn.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương phụ trách chính sách hỗ trợ nào thì có hướng dẫn cho đối tượng đó. Hiện các sở, ngành gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có các văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp, địa phương thực hiện. Đối với hỗ trợ NLĐ làm việc tại doanh nghiệp (tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc) Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện để hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký chính sách hỗ trợ NLĐ được kịp thời trong tình hình các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động từ ngày 5-8.
Về thủ tục hành chính, thủ tục triển khai Nghị quyết 68 rất thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42 năm 2020 và Quyết định 23 đã quy định cụ thể, Kế hoạch 231 của UBND tỉnh quy định chi tiết thời gian giải quyết hồ sơ ở từng cấp. Do đó, đề nghị các địa phương, cơ quan phụ trách các gói hỗ trợ căn cứ thực hiện đảm bảo đúng thời gian.
Đối với NLĐ tự do, Sở LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn biểu mẫu, còn về thủ tục hành chính trong Quyết định 1910 của UBND tỉnh Tiền Giang đã quy định cụ thể, nên người dân có thể đăng ký hỗ trợ với UBND cấp xã. Đồng thời, với thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm - đào tạo nghề, chăm lo cho đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, thực hiện theo quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn THỦY HÀ (thực hiện) / http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202108/tien-giang-co-khoang-50-ngan-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-do-dich-covid-19-se-duoc-ho-tro-931980/
Tên đăng nhập
: DavidTeo
: davidteo@gmail.com
Điện thoại
: 0985626365
Địa chỉ
: 215, Ấp 2, Xã Trung An, Mỹ Tho, Tiền Giang
Ngày đăng tin
: 10-08-2021 07:41:51 PM
Mẫu tin đã được xem
: 689 lần